Thứ Năm, 2 tháng 10, 2008

SỰ RA ĐỜI BAN DÂN VẬN CỦA ĐẢNG

Quán triệt quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin: Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định muốn làm cách mạng thắng lợi "Trước hết phải có Đảng cách mạng, để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi".
Cuộc đấu tranh của trên 1.000 công nhân đồn điền cao su Phú Riềng (Nam Bộ) đầu năm 1930 đòi tăng lương, giảm giờ làm. Ảnh: T.L
Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời ngày 3-2-1930 là sản phẩm của sự kết hợp chủ nghĩa Mác-Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước. Đảng ra đời, các đảng viên của Đảng đi vào các giai cấp, các tầng lớp nhân dân vận động, đoàn kết, huấn luyện họ đấu tranh chống áp bức, bất công, bóc lột, đòi nhân sinh, dân chủ và tổ chức quần chúng vào các đoàn thể.

Hội nghị Trung ương lần thứ nhất họp từ ngày 14 đến 31 tháng 10 năm 1930 thông qua Luận cương chính trị. Điều lệ Đảng, Án Nghị quyết về tình hình Đông Dương và nhiệm vụ cần kíp của Đảng; các Án nghị quyết về Công nhân vận động, Nông dân vận động, Phản đế đồng minh, Cộng sản thanh niên vận động, Phụ nữ vận động, Quân đội vận động, vấn đề cứu tế.

Hội nghị này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng; xác định đường lối chính trị của Đảng, của cách mạng Việt Nam; vấn đề vận động quần chúng và nhiều vấn đề khác.

Như vậy có thể nói, ngay từ khi ra đời, Đảng ta đã chăm lo công tác quần chúng, tập hợp lực lượng cách mạng. Đảng trực tiếp xây dựng các đoàn thể cách mạng theo điều lệ vắn tắt được Hội nghị thành lập Đảng từ ngày 3 đến ngày 7 tháng 2 năm 1930 tại Hương Cảng (Trung Quốc) thông qua. Đến tháng 10-1930, hệ thống Ban chuyên môn về các giới vận của Đảng được xác lập, bao gồm: Ban Công vận, Ban Nông vận, Ban Thanh vận, Ban Phụ vận, Ban Quân đội vận (địch vận) và Mặt trận phản đế - đặt nền tảng toàn diện và hoàn chỉnh cho công tác dân vận của Đảng.

Xuất phát từ thực tế lịch sử có ý nghĩa chính trị to lớn trên, Ban Dân vận Trung ương có tờ trình Thường vụ Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII và được Thường vụ Bộ Chính trị chấp nhận lấy ngày 15-10 - một trong những ngày Hội nghị Trung ương lần thứ nhất họp làm ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng. Ngày này cũng là ngày bài báo "Dân vận" của Chủ tịch Hồ Chí Minh đăng trên báo "Sự thật" số 120 ngày 15-10-1949. Năm 1999, nhân kỷ niệm 50 năm ngày bài báo ra đời, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII đã quyết định lấy ngày này làm "Ngày Dân vận của cả nước".

Theo Báo Bình Định - N.M (biên soạn)

52 NĂM KỶ NIỆM NGÀY TRUYỀN THỐNG HỘI LHTN VIỆT NAM (15/10/1956 - 15/10/2008)

Trong lịch sử mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước các thế hệ thanh niên Việt Nam đã cùng cha ông chiến đấu kiên cường để bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Trong bất cứ thời kỳ lịch sử nào của dân tộc, tuổi trẻ đều là lớp người đi đầu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc với những tấm gương oanh liệt. Đặc biệt từ khi có Đảng, thanh niên Việt Nam đã liên tiếp lập nên những chiến công mới, viết tiếp những trang sử vàng vào lịch sử của dân tộc.

Cùng với sự phát triển lớn mạnh của thanh niên, tổ chức Hội LHTN Việt Nam ra đời và đã trở thành một tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn, thu hút, tập hợp đông đảo các tầng lớp thanh niên phấn đấu vì độc lập tự do của dân tộc, vì sự phồn vinh của đất nước. Trải qua gần nửa thế kỷ xây dựng, phấn đấu trưởng thành, dưới sự lãnh đạo của Đảng, với vai trò nòng cốt chính trị của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội LHTN Việt Nam ngày càng xứng đáng là tổ chức xã hội rộng rãi của thanh niên và các tổ chức thanh niên Việt Nam yêu nước theo tư tưởng Hồ Chí Minh và lý tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Kỷ niệm 51 năm ngày truyền thống Hội LHTN Việt Nam, chúng ta cùng ôn lại truyền thống vẻ vang của Hội LHTN Việt Nam.
Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, ngày 27/9/1945, tại Đại hội Đoàn Thanh niên Cứu quốc thành phố Hà Nội, Bác Hồ đã chỉ thị phải hình thành một mặt trận thanh niên rộng rãi và thống nhất do Đoàn Thanh niên Cứu quốc làm nòng cốt. Đứng trước yêu cầu đó, ngày 27/3/1946 Bác Hồ ký sắc lệnh số 38 về việc thành lập Nha Thanh niên và Thể thao. Vào thời gian trên, Ban Thường vụ Trung ương Đảng chỉ thị cho Tổng bộ Việt Minh chuẩn bị thành lập Đoàn Thanh niên Việt Nam, nhằm đáp ứng yêu cầu đoàn kết, tập hợp mọi tầng lớp thanh niên Việt Nam phục vụ sự nghiệp "Kháng chiến kiến quốc".
Tháng 6/1946 Tổng đoàn Thanh niên Việt Nam ra đời (gọi tắt là Đoàn Thanh niên Việt Nam), sau đổi thành Liên đoàn Thanh niên Việt Nam - là một tổ chức rộng rãi của mọi thanh niên yêu nước tự nguyện đứng vào hàng ngũ của Liên đoàn do Đoàn Thanh niên Cứu quốc làm nòng cốt. Cuối năm 1946 Liên đoàn Thanh niên Việt Nam là thành viên chính thức của Liên đoàn Thanh niên dân chủ thế giới.
Tháng 02/1950, Liên đoàn thanh niên Việt Nam tổ chức Đại hội lần thứ I tại căn cứ địa Việt Bắc trong khói lửa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, các đại biểu từ khắp các vùng miền của Tổ quốc đã về dự. Đại hội vinh dự được đón Bác Hồ kính yêu cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tới dự. Phát biểu tại Đại hội, Bác Hồ kính yêu đã ân cần dặn: phải thực hiện đoàn kết, đại đoàn kết trong phong trào thanh niên, phải giúp đỡ nhau cùng tiến bộ. Tại Đại hội các đại biểu đã bầu anh Nguyễn Chí Thanh làm Chủ tịch Liên đoàn Thanh niên Việt Nam (đồng chí Nguyễn Chí Thanh nguyên là Uỷ viên Bộ Chính trị, Đại tướng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam). Đại hội Liên đoàn Thanh niên Việt Nam là sự kiện đánh dẫu bước phát triển quan trọng trong công tác đoàn kết, tập hợp thanh niên với vai trò nòng cốt của Đoàn Thanh niên Cứu quốc. Sau đại hội, Liên đoàn Thanh niên Việt Nam đã động viên lớp lớp thanh niên hăng hái tham gia các phong trào thi đua tòng quân giết giặc lập công, đẩy mạnh chiến tranh du kích sau lưng địch, đấu tranh chống khủng bố, chống đàn áp, chống bắt lính, đòi tự do, dân chủ, hoà bình trong các đô thị lớn như: Hà Nội, Huế, Sài Gòn…với tinh thần “Cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh” theo tiếng gọi “Lên đàng” của non sông đất nước.
Ngày 08/10/1956, Trung ương Liên đoàn Thanh niên Việt Nam và Ban vận động mặt trận thống nhất thanh niên tổ chưc Đại hội tại Nhà hát lớn – Thủ đô Hà Nội. Đại hội đã thống nhất các tổ chức thanh niên Việt Nam với tên gọi chung là Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) Việt Nam. Ngày 15/10/1956, Đại hội vinh dự được đón Bác Hồ kính yêu và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến dự. Huấn thị tại Đại hội, Bác Hồ căn dận: “Là người chủ tương lai, cho nên toàn thể thanh niên ta phải đoàn kết chặt chẽ, phấn đấu anh dũng, vượt mọi khó khăn, thi đua giúp sức vào sự nghiệp xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, để mình làm chủ mai sau”. Đại hội đã bầu Ban chấp hành Trung ương Hội gồm 52 anh, chị do Bác sỹ - Anh hùng lao động Phạm Ngọc Thạch làm Chủ tịch.
Tháng 12/1961, Đại hội đại biểu toàn quốc Hội LHTN Việt Nam lần thứ II được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội. Đại hội đã đánh giá hoạt động của Hội và phong trào thanh niên Việt Nam trong nhiệm kỳ I và bàn phương hướng hoạt động trong nhiệm kỳ II là: "Đoàn kết chặt chẽ mọi tầng lớp thanh niên, động viên và tổ chức thanh niên học tập, phấn đấu hoàn thành vượt mức kế hoạch 5 năm lần thứ nhất", Đại hội rất vinh dự được đón Bác Hồ kính yêu đến dự, Bác dạy rằng“Bác yêu mến thanh niên” vì:
- Thanh niên là người tiếp sức cách mạng cho thế hệ thanh niên già, đồng thời là người phụ trách dìu dắt thế hệ thanh niên tương lai - tức là các cháu nhi đồng.
- Thanh niên là người xung phong trong công cuộc phát triển kinh tế và văn hoá, trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội.
- Thanh niên là lực lượng cơ bản trong bộ đội, công an và dân quân tự vệ, đang hăng hái giữ gìn trật tự trị an, bảo vệ Tổ quốc.
- Vì trong mọi công việc, thanh niên thi đua thực hiện khẩu hiệu “Đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên”.
Đại hội đã bầu Giáo sư Phạm Huy Thông làm Chủ tịch Hội và phát động thanh niên tích cực tham gia thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất và ra sức ủng hội chi viện cho cuộc đấu tranh của đồng bào và thanh niên miền Nam.
Thực hiện Nghị quyết của Đại hội, hơn một vạn tập thể thanh niên đã phấn đấu hoàn thành kế hoạch 5 năm lần thứ nhất; 80 vạn đoàn viên, hội viên, thanh niên tự nguyện đăng ký phấn đấu theo tinh thần "Mỗi người làm việc bằng hai"; 15 vạn thanh niên tình nguyện gia nhập Đội Thanh niên Xung phong chống Mỹ cứu nước. Hơn 5 triệu lượt thanh niên đăng ký tham gia phong trào "Ba sẵn sàng", "Năm xung phong" và đã gia nhập Quân đội nhân dân chiến đấu vì độc lập, tự do, thống nhất đất nước và quyết tâm sắt đá “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, xứng đáng với lời khen của Bác Hồ “Các cháu là thế hệ anh hùng của dân tộc Việt Nam anh hùng”.
Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thắng lợi, Bắc – Trung – Nam xum họp một nhà; thực hiện Nghị quyết của Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đoàn, tại thành phố Hồ Chí Minh trong hai ngày 20 - 21/9/1976, Hội LHTN Việt Nam đã tổ chức hội nghị thống nhất mặt trận thanh niên trong cả nước. Đây là sự kiện chính trị trọng đại trong phong trào thanh niên nước ta. Lần đầu tiên tại thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu, đoàn đại biểu Hội LHTN Việt Nam gặp gỡ đoàn đại biểu Hội LHTN Giải phóng miền Nam Việt Nam, cùng nhau bàn việc thống nhất mặt trận đoàn kết thanh niên Việt Nam và lấy tên chung là Hội LHTN Việt Nam trong cả nước, đáp ứng nguyện vọng thiết tha của toàn thể thanh niên Việt Nam. Hội nghị thông qua Điều lệ mới của Hội LHTN Việt Nam và hiệp thương chọn cử Uỷ ban Trung ương Hội LHTN Việt Nam gồm 96 anh, chị do Giáo sư Lê Quang Vịnh làm Chủ tịch. Trong hai ngày 24 và 25/9/1976, Hội nghị toàn quốc của Hội LHTN Việt Nam tiếp tục họp tại thành phố Hồ Chí Minh thảo luận và đề ra nội dung công tác Hội trong thời kỳ mới. Đây là hình ảnh sinh động trong khối đại đoàn kết, tập hợp, thống nhất của thanh niên Việt Nam, là lực lượng hùng hậu của tuổi trẻ Việt Nam để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; Hội nghị đã biểu dương những chiến công của thế hệ trẻ trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đặc biệt, Hội nghị đã dành thời gian thảo luận công tác củng cố tổ chức Hội LHTN Việt Nam trong thời kỳ cách mạng mới.
Tháng 9/1988, Hội nghị Uỷ ban Trung ương Hội LHTN Việt Nam họp tại Hà Nội đã tiến hành kiện toàn Uỷ ban Trung ương Hội. Anh Hà Quang Dự, Bí thư thứ nhất Ban chấp hành Trung ương Đoàn (khoá V) được hiệp thương chọn cử làm Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Hội thay Giáo sư Lê Quang Vịnh nhận nhiệm vụ mới.
Ngày 08/12/1994, Đại hội đại biểu toàn quốc Hội LHTN Việt Nam lần thứ III được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội với 400 đại biểu chính thức đã về dự Đại hội. Đại hội đã thông qua Điều lệ mới và hiệp thương chọn cử anh Hồ Đức Việt, Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Ban chấp hành Trung ương Đoàn làm Chủ tịch Hội. Đại hội đã quyết định lấy ngày 15/10/1956 là ngày truyền thống hàng năm của Hội LHTN Việt Nam và quyết định các nhiệm vụ chủ yếu của Hội từ năm 1994 đến năm 1999 với 5 chương trình: "Lập thân, lập nghiệp, xây dựng đất nước phồn vinh", "Nâng cao dân trí, bồi dưỡng tài năng trẻ, phát triển văn hoá, thể dục thể thao", "Bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn trật tự an ninh", "Công tác xã hội, bảo vệ môi trường", "Hợp tác hữu nghị với tuổi trẻ trong khu vực và trên thế giới"; 3 cuộc vận động là: "Tiết kiệm, tích luỹ", "Chống mù chữ, chống thất học", “Hiến máu nhân đạo". Tại hội nghị Uỷ ban Trung ương Hội LHTN Việt Nam cuối năm 1997, chị Trương Thị Mai, Bí thư Trung ương Đoàn được hiệp thương chọn cử làm Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam thay anh Hồ Đức Việt nhận nhiệm vụ mới.
Thực hiện Nghị quyết của Đại hội, trong nhiệm kỳ 5 năm, các cấp bộ Hội đã huy động được số vốn hàng trăm tỷ đồng hỗ trợ cho 700.000 hội viên, thanh niên tổ chức sản xuất, kinh doanh nâng cao thu nhập phát triển kinh tế, xây dựng 3.500 câu lạc bộ khuyến nông, đảm nhận 93.500 công trình thanh niên trị giá 276 tỷ đồng thu hút gần 12 triệu lượt hội viên, thanh niên tham gia; phát động chiến dịch "ánh sáng văn hoá hè", phong trào thanh niên tình nguyện thu hút gần 80.000 hội viên, thanh niên tham gia, mở gần 35.000 lớp học xoá mù chữ cho 500.000 lượt người; công tác xây dựng, củng cố, nâng cao chất lượng tổ chức Hội có nhiều bước phát triển tích cực.
Nhằm đánh giá kết quả công tác Hội và phong trào thanh niên nhiệm kỳ 1994 - 1999, đồng thời đề ra phương hướng nhiệm kỳ mới; từ ngày 13 đến 15/1/2000, Đại hội đại biểu toàn quốc Hội LHTN Việt Nam lần thứ IV đã được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội, 599 đại biểu tiêu biểu cho ý chí, nguyện vọng của cán bộ, hội viên, thanh niên cả nước đã về dự Đại hội. Đại hội diễn ra vào thời điểm dân tộc ta cùng cả nhân loại bước vào thời khắc lịch sử chuyển giao giữa hai thế kỷ. Đại hội đã thông qua Điều lệ Hội sửa đổi và quyết định đề ra 5 cuộc vận động là: "Học tập, sáng tạo vượt bậc vì sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước", "Giúp nhau lập nghiệp vì dân giàu, nước mạnh"', "Thanh niên tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng", "Vì chủ quyền Tổ quốc, vì cuộc sống bình yên" và "Xây dựng nếp sống văn minh đậm đà bản sắc dân tộc". Đại hội hiệp thương chọn cử chị Trương Thị Mai, Bí thư Trung ương Đoàn làm Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam.
Tại kỳ họp Uỷ ban Trung ương Hội LHTN Việt Nam lần thứ 5 (khoá IV) ngày 15/2/2003 đã hiệp thương kiện toàn Uỷ ban, Đoàn Chủ tịch, Chủ tịch, Phó chủ tịch Uỷ ban Trung ương Hội khoá IV trong đó đã hiệp thương bầu anh Hoàng Bình Quân, Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn làm Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam thay chị Trương Thị Mai nhận nhiệm vụ mới.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội, nhiệm kỳ 2000 – 2005, kết quả công tác Hội và phong trào thanh niên Việt Nam có nhiều bước phát triển, 5 cuộc vận động của Hội đã góp phần không nhỏ vào sự tạo dựng, bồi đắp những phẩm chất, đức tính cho lớp thanh niên Việt Nam trưởng thành trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Gần 290.000 hội viên, thanh niên được nhận học bổng với số tiền trên 60 tỷ đồng; 361.000 hội viên, thanh niên hỗ trợ, giúp nhau lập nghiệp với số tiền lên tới 206 tỷ đồng; gần 500.000 hội viên, thanh niên được chuyển giao, tiếp nhận các kiến thức khoa học, kỹ thuật; chỉ tính riêng hơn 3.000 hội viên Hội các nhà doanh nghiệp trẻ Việt Nam đã đạt doanh thu trên 5 tỷ USD/năm và tạo việc làm với thu nhập ổn định cho trên 600.000 lao động; 226.583 hội viên, thanh niên tham gia hiến máu nhân đạo; gần 20 triệu lượt cán bộ, hội viên, thanh niên tham gia các chiến dịch thanh niên tình nguyện; đầu nhiệm kỳ chỉ có 2,5 triệu hội viên, thanh niên tham gia, đến hết năm 2004, tổng số hội viên, thanh niên trong cả nước đạt 5,6 triệu (vượt kế hoạch đề ra 600.000 hội viên, thanh niên)… Những thành tích trên đã góp phần không nhỏ vào thành tựu của công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế, xã hội của đất nước trong thời gian qua.
Được sự quan tâm, chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương đảng, từ ngày 25 đến ngày 27/ 02/ 2005, Đại hội đại biểu toàn quốc Hội LHTN Việt Nam lần thứ V đã diễn ra trọng thể tại Thủ đô Hà Nội, tham dự Đại hội có 798 đại biểu, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc và các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và Hà Nội, các cán bộ chủ chốt của Trung ương Đoàn, Trung ương Hội qua các thời kỳ,ngoại giao đoàn và gần 40 đoàn đại biểu quốc tế đã đến dự, chỉ đạo và chia vui với Đại hội. Đại hội diễn ra vào thời điểm toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang ra sức phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX và kế hoạch 5 năm (2001 - 2005). Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng đã có bài phát biểu quan trọng, đồng thời thay mặt Ban chấp hành Trung ương Đảng trao tặng thanh niên Việt Nam và Hội LHTN Việt Nam bức trướng mang dòng chữ “Thanh niên Việt Nam đoàn kết, sáng tạo, hăng hái tình nguyện xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Đại hội đã tổng kết công tác Hội và phong trào thanh niên nhiệm kỳ IV và đề ra phương hướng công tác Hội nhiệm kỳ V, thông qua Điều lệ Hội sửa đổi, hiệp thương chọn cử Uỷ ban Trung ương Hội khoá V gồm 135 anh, chị; anh Nông Quốc Tuấn, Bí thư Trung ương Đoàn được hiệp thương chọn cử giữ chức Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam. Hưởng ứng phong trào “Thi đua tình nguyện, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” do Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ VIII phát động; với tinh thần “Đoàn kết, sáng tạo, tình nguyện” và ý chí quyết tâm “Đi theo con đường mà Đảng và Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn, vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”, Đại hội Hội LHTN Việt Nam lần thứ V đã phát động thanh niên Việt Nam hưởng ứng và tham gia 5 cuộc vận động lớn trong nhiệm kỳ 2005 - 2010 là: "Thanh niên đi đầu trong xã hội học tập", "Thanh niên làm kinh tế giỏi, tích cực tham gia xoá đói giảm nghèo", “Thanh niên tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng”, “Thanh niên vì cuộc sống bình yên, vì chủ quyền Tổ quốc”, "Thanh niên sống đẹp".
Tại kỳ họp Uỷ ban Trung ương Hội LHTN Việt Nam lần thứ 5 (khoá V) ngày 27/2/2008 đã hiệp thương kiện toàn Uỷ ban, Đoàn Chủ tịch, Chủ tịch, Phó chủ tịch Uỷ ban Trung ương Hội khoá V trong đó đã hiệp thương bầu anh Võ Văn Thưởng, Uỷ viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn làm Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam thay anh Nông Quốc Tuấn nhận nhiệm vụ mới.
Qua bốn năm (2005 - 2008) triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội V, công tác Hội và phong trào thanh niên có nhiều bước phát triển tích cực; các hoạt động của Hội đã phát huy được tính sáng tạo, thái độ chủ động, khơi dậy tinh thần xung kích tình nguyện, tính tích cực của tuổi trẻ; hoạt động của Hội các cấp thiết thực, gần gũi với các tầng lớp thanh niên hơn, đã đồng hành với hội viên, thanh niên; góp phần tạo nên diện mạo mới của phong trào thanh niên trong thời kỳ hội nhập, đưa phong trào thanh niên trở thành hành động cách mạng sôi nổi và hiệu quả, thực hiện các chương trình kinh tế-xã hội của địa phương; giữ vững quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội. Các chương trình, cuộc vận động của Hội với những mô hình thiết thực đã đi vào chiều sâu và định hướng ngay từ đầu do vậy các hoạt động đều đạt hiệu quả cả về mặt phong trào và ýý nghĩa hoạt động xã hội, tạo nên sức lan toả của phong trào đối với hội viên, thanh niên.
Để khẳng định những kết quả, thành tích và sự đóng góp của các thế hệ cán bộ, hội viên, thanh niên đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; nhân dịp kỷ niệm ngày truyền thống của Hội, ngày 09/5/2005, Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký quyết định số 433 – QĐ/CTT tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh cho Hội LHTN Việt Nam vì “Đã có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác tổ chức, vận động thanh niên tham gia các phong trào phát triển kinh tế, văn hoá - xã hội, giữ gìn an ninh - quốc phòng...; góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc’.’
Kỷ niệm 52 năm ngày truyền thống Hội LHTN Việt Nam là sự kiến chính trị quan trọng nhằm tuyên truyền cho cán bộ, hội viên, thanh niên những cống hiến của tầng lớp thanh niên và tổ chức Hội; của mặt trận đoàn kết, tập hợp thanh niên trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Tự hào về truyền thống vẻ vang của Hội, mỗi cán bộ, hội viên, thanh niên thi đua thực hiện hiệu quả 5 cuộc vận động của Hội; đẩy mạnh việc xây dựng và nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức cơ sở Hội; hăng hái thi đua, tình nguyện thực hiện Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và đặc biệt là thực hiện Nghị quyết số 25 – NQ/TW, ngày 25/7/2008 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa“ và tích cực hưởng ứng phong trào: “5 xung kích phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ Tổ quốc“, “4 đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp“ của Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ IX.

Nhìn lại chặng đường 52 năm qua của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, mỗi thanh niên Việt Nam có quyền tự hào: Trong mỗi chặng đường của lịch sử dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng với vai trò nòng cốt chính trị của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam đã có những đóng góp xuất sắc vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh - Vì tương lai tươi sáng của tuổi trẻ./.